Di tích lịch sử Hành cung Long Bình đậm nét kiến trúc thời Nguyễn

23 Tháng Mười Hai, 2021 3 Comments

Cách đây hơn 100 năm, Thị xã Sông Cầu là tỉnh lụy của Phú Yên. Các cơ sở vật chất, công trình kiến trúc vì thế cũng mang đậm dấu ấn của một “kinh đô” thu nhỏ dưới vương triều Nhà Nguyễn trị vì. Trong nhiều di tích cổ còn tồn tại đến ngày nay có Hành cung Long Bình mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Hành cung là tên gọi chỉ công trình kiến trúc được xây dựng với chức năng chủ yếu là để dự phòng, chuẩn bị, dùng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi của vua khi tuần du ra khỏi kinh thành hoặc đi kinh lý, thị sát ở địa phương. Ngoài ra, đây còn là nơi truyền và tiếp nhận chỉ dụ của vua, nơi tổ chức nhiều lễ nghi theo quy định của nhà nước phong kiến để khẳng định vương quyền của vị vua đang tại vị và triều đại đó.

di-tich-hanh-cung-long-binh

Hành cung Long Bình thuộc địa bàn khu phố Long Bình Đông, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết vào năm 1899 trung tâm lỵ sở của chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên được chuyển từ An Thổ, Tuy An ra đóng tại Long Bình, Sông Cầu.

Hành cung là công trình kiến trúc nằm trong thành Long Bình. Như vậy, hành cung chỉ có thể được xây dựng trước hoặc sau mốc thời gian năm 1899 không lâu, nên có thể xác định niên đại của công trình này là trên 100 năm cách ngày nay. Hành cung Long Bình được chính quyền phong kiến cho xây dựng và sử dụng trong thời gian từ những năm đầu của thế kỷ XX đến trước năm 1945 dưới thời các vua Thành Thái (1889-1907), Duy Tân (1907-1916), Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1926-1945).

Trong thời gian ở ngôi, vua Bảo Đại đã hai lần đến hành cung Long Bình. Lần thứ nhất vào tháng 1/1933, khi đó Bảo Đại mới trở về từ Pháp và tổ chức cuộc tuần du vào các tỉnh phía nam. Trong chuyến đi này, vua Bảo Đại dừng lại ở hành cung Long Bình rồi sau đó tiếp tục đi thăm các cảnh vật trong tỉnh, trong đó có công trình thủy lợi đập Đồng Cam (lúc đó có tên là đê Bảo Đại) vừa mới hoàn thành công cuộc xây dựng kéo dài 9 năm (1924-1932). Lần thứ hai vua Bảo Đại đến hành cung Long Bình là vào năm 1936, trong chuyến vào Phú Yên để dự lễ hợp ray tuyến đường sắt xuyên Việt tại Hảo Sơn (nay thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa).

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền Cách mạng tiếp quản toàn bộ các công sở, dinh thự của bộ máy chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên. Nhưng sau đó ít lâu, cuối năm 1946, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên đã tiêu hủy toàn bộ các công trình này trong đó có khu hành cung để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến.

Thời kỳ 1954-1975, địa điểm thành Long Bình là nơi chính quyền Mỹ – ngụy dồn dân lập ấp chiến lược. Trên nền móng của những công trình kiến trúc cũ, một số công sở được xây dựng để phục vụ chính quyền đương thời, bên cạnh đó nhiều nhà ở của nhân dân cũng được xây dựng trên các nền móng này. Do việc bóc dỡ gạch đá để lấy vật liệu xây dựng các công sở, nhà cửa đã làm mất dần vết tích của các công trình kiến trúc. Hiện tại, chỉ nhận biết và định vị được một số công trình qua phần nền móng còn lại, một số công trình khác chỉ còn lại dấu vết rất mờ nhạt.

Qua khảo sát những dấu tích còn lại và dựa theo lời kể của các cụ cao tuổi ở địa phương, có thể xác định vị trí của thành Long Bình nằm trên một doi đất trải dài theo hướng bắc nam, cao hơn mặt ruộng ở phía đông và phía tây từ 2-4m. Khu thành có hình chữ nhật, bốn mặt quay chính bốn hướng. Mặt tiền quay về hướng nam, liền kề với làng mạc, kế đến là sông Tam Giang (cách khoảng 1km); mặt hậu quay về hướng bắc, cách một khoảng ruộng là dãy núi Ông Định chắn ngang theo hướng đông tây. Hai phía đông, tây là đồng ruộng thấp.

Cánh đồng ở phía đông có tên gọi là đồng Bến Thuyền, đây là đồng trũng, thấp dần về phía đông và thông ra vịnh Xuân Đài bằng một lạch nhỏ. Ở đồng Bến Thuyền, trước đây khi đào giếng, nhân dân địa phương phát hiện những vỏ sò và dây neo tàu thuyền. Từ tên gọi cũng như những phát hiện trên cho thấy xưa kia đồng Bến Thuyền chính là bến neo đậu các loại tàu thuyền của ngư dân và các thương lái khi vào vịnh Xuân Đài.

Từ đường Thiên Lý có một đường nhánh (nay là Tỉnh lộ ĐT 644) đi về phía tây ngang qua phía trước và sát với mặt tiền khu thành. Đây là đường giao thông chính nối trung tâm lỵ sở chính quyền phong kiến tỉnh Phú Yên với bên ngoài. Tại mặt tiền khu thành có mở hai cổng ra vào, phía trong hai cổng là hai con đường chạy song song dọc theo chiều dài của thành. Trên hai đường chính đó có những đường nhỏ làm lối vào hành cung và các dinh thự, công sở làm việc của bộ máy chính quyền phong kiến.

Hành cung là một công trình lớn, được kiến thiết ở vị trí trung tâm của khu thành, quay mặt về hướng nam. Những bộ phận kiến trúc chính của hành cung gồm có tòa chính điện, cổng vào, sân chầu và tường bao. Hiện còn nhận diện rất rõ dấu tích chính điện qua phần nền móng cao 1,5m, rộng 16m x 16m; dấu tích vòng tường bao bằng gạch rộng 54m x 57m. Bộ phận cổng của hành cung còn khá nguyên vẹn với 4 trụ cổng phân thành 3 lối đi dành cho vua và các quan văn võ. Những trụ cổng có hình thức trang trí giống nhau bằng kỹ thuật ghép mảnh gốm, có dáng vẻ kính cẩn uy nghi, phần thân trụ trang trí rồng đắp nổi, trên đỉnh tạo hình búp sen.

Nguyên trước, phía mặt tiền hành cung có cột cờ, khoảng giữa cột cờ và cổng vào hành cung có hồ sen hình mặt nguyệt. Phía hậu, bên tả, bên hữu hành cung là những dinh thự, công sở làm việc của chính quyền phong kiến. Hiện còn khảo sát nhận biết được các công trình: Tỉnh đường, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, trại lính và nhà lao.

Nhìn trên tổng thể thì hành cung là công trình có quy mô bề thế nhất so với các công trình khác trong thành Long Bình. Hành cung được xây dựng ở vị trí trung tâm, mặt tiền hướng thẳng ra cột cờ. Ở các phía tả, hữu và bên hậu hành cung là những công trình dinh thự, công sở làm việc của bộ máy chính quyền phong kiến. Tất cả các công trình đó đều quay mặt tiền hướng về hành cung và lấy hành cung làm công trình trung tâm.

Qua bố cục kiến trúc cho thấy hành cung là công trình kiến trúc quan trọng, sự kiến tạo công trình này đã nằm trong ý đồ quy hoạch xây dựng ngay từ đầu của chính quyền phong kiến khi mới bắt đầu dời đặt lỵ sở về thôn Long Bình (1899). Hành cung là công trình được ưu tiên xây dựng ở vị trí tốt nhất, được tôn cao hơn so với các công trình khác và được xây dựng với quy mô lớn nhất.

Hành cung Long Bình là di sản văn hóa phản ánh về lịch sử, xã hội Phú Yên vào giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến. Khi được bảo tồn và phát huy giá trị, đây sẽ là dấu ấn để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa địa phương. Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ra quyết định công nhận di tích hành cung Long Bình là di tích cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.