Vẻ đẹp Gành Đá Dĩa – Một lần mưa, một lần nắng

12 Tháng Mười Hai, 2021 3 Comments

Tôi ít khi đi đâu đến lần thứ hai, nếu không phải vì công việc bắt buộc. Với quỹ thời gian và tiền bạc eo hẹp, tôi tiết kiệm cho những điểm đến mới thay vì đến một nơi những hai lần. Nhưng bởi chữ “duyên”, tôi đã đến Gành Đá Đĩa một lần và quay trở lại một lần khác cách nhau hơn một năm.

Đá vẫn là đá, biển vẫn là biển, biển và đá như giang sơn khó dời, vẫn ở yên như thế, chỉ có thời tiết là mang đến sự khác biệt.

Lần đầu tôi đến, ngỡ ngàng với Gành đá sau cơn mưa, sóng chẳng yên, biển không lặng, bọt biển trắng vồ vập vỗ vào đá khiến tôi cảm thấy một chút dữ dằn, mạnh mẽ và hoang dại về nơi này.

Lần hai, biển xanh ngắt và trời cũng xanh ngắt. Nắng sáng lấp lánh soi rọi triền đá và mặt nước buổi sớm. Thanh tú, dịu dàng và đẹp lấp lánh …còn từ gì để miêu tả không nhỉ?

Du-lich-ganh-da-dia-phu-yen

Biển miền trung, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ theo quan điểm cá nhân tôi là khu vực có cảnh biển đẹp nhất Việt Nam. Những bãi cát trắng trải dài, nước biển xanh ngắt chẳng phân biển được đâu là trời đâu là biển có thể dễ dàng tìm thấy từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Nha Trang, Bình Thuận. Nhưng chỉ có một Phú Yên và một Gành Đá Đĩa mà thôi. 

Chẳng ở đâu có thể tìm thấy bờ biển với những cột đá xếp liền kề nhau như tổ ong này, ngoại trừ lạc sang tận núi đá Giant’s Causeway ở Ireland, đảo đá Organos ở Tây Ban Nha hay đảo Jeju Hàn Quốc. Trên thế giới có thể tìm thấy một vài nơi kể trên có thẳng cảnh như Gành đá dĩa, bởi những nơi này được cấu tạo nên do hoạt động của núi lửa cách đây hàng triệu năm.

Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển, sau đó gặp nước biển lạnh nên bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính sự ứng lực này đã gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang thành những cột đá đứng liền khít nhau nữa chìm dưới nước nữa nổi trên bờ và tạo nên gành Đá Đĩa.

kham_pha_ghenh_da_dia

THÁNG 1 SAU CƠN MƯA TRÁI MÙA

Tháng 1, Tuy Hòa vẫn nắng như đổ lửa. Chúng tôi đi làm tình nguyện xây trường học cho học sinh mẫu giáo ở đây cùng hơn hai mươi tình nguyện viên Hàn Quốc. Kết thúc công việc, chúng tôi giảnh một ngày đi Gành đá đĩa, giới thiệu với đội tình nguyện viên một trong những thắng cảnh đặc biệt của Việt Nam.

Suốt cả quãng đường 40 cây số, trời mưa như trút nước, ngập cả con đập dẫn ra Gành. Cơn mưa trái mùa chẳng biết ở đâu ra, vậy mà khi chúng tôi vừa đến nơi, trời hửng nắng, dấu vết còn lại của mưa chỉ là những con sóng trắng bạc đầu đang tới tấp đạp vào bờ. Vì lần ấy đi cùng các công dân Hàn mà tôi mới biết không phải chỉ Việt Nam chúng tôi có kiểu địa hình này, mà ở đảo Jeju của họ cũng có.

ganh-da-dia-2

Sau cơn mưa trời lại nắng, san hô và vỏ ốc lại lấp lánh ánh nắng vàng buổi chiều. Một bên trời nắng rất to, một bên mây vẫn đang cố gắng che mặt trời. Chúng tôi dời Gành Đá Đĩa đi bộ sang bãi biển ngay gần đó. Đáng tiếc cho một bãi biển đẹp nhưng người dân không giữ gìn, rất nhiều rác và phân bò.

Những đứa trẻ bán san hô và vỏ ốc rất ngoan, nhưng ở bãi biển, chúng tôi gặp những đứa bé hơi quá dạn dĩ. Khi gặp một vài đứa trẻ chơi trên biển, chúng tôi vô tư chia phần bánh quy cho các bé ăn cùng. Rồi không biết ở đâu ra rất rất nhiều đứa bé khác đến và đòi ăn bánh, rồi chúng tranh nhau.

Đến khi chúng tôi không cho nữa thì các bé sinh ra lấy trộm và cướp bánh trong thùng của chúng tôi mặc cho chúng tôi nói “không”. Là những đứa trẻ hư và không nghe lời? Hay chúng tò mò và đói quá chăng? Hay chỉ là một trò nghịch ngợm?

Ganh-da-dia-phu-yen-9

THÁNG TÁM LÀ MỘT MÀU XANH

Nhân dịp sinh nhật bạn, tôi cùng bạn trở lại Gành Đá Đĩa vì bạn chưa đi bao giờ. Vì bạn là thần mặt trời, chưa bao giờ đi với bạn mà gặp mưa, nên cả chuyến đi chỉ có nắng. Sáng sớm chỉ có tôi và bạn ở đó, mặt trời chiếu những ánh nắng xuống mặt nước, lên những mỏm đá, lên những chiếc thuyền, lên vai tôi và vai bạn – một màu nắng trong trẻo và lấp lánh – người ta gọi đấy là “nắng thủy tinh”.

du-lich-ganh-da-dia-o-phu-yen

Bất giác một vài câu hát của nhạc sĩ Hồng Đăng thoáng qua trong đầu, thay lời miêu tả về buổi sáng tháng tám ở Gành Đá Đĩa:

“Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao! 

Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào. 

Môi cười rất xinh lung linh màu áo, 

mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu”

Chỉ thiếu tí mây trắng và hải âu nữa để vẽ vào bức họa về biển trong câu hát.

Có một kỉ niệm nho nhỏ về lần quay trở lại này với những đứa trẻ bán san hô. Buổi sáng nắng nhưng không lặng gió, gió rất to là đằng khác. Sau một vài lần cái mũ của tôi bay mất khỏi tóc, cuối cùng nó cũng đã bị gió cuốn xuống biển. Nước biển trong vắt, rất trong và rất sạch, bỗng đâu xuất hiện cái mũ “rơm” của tôi chẳng hợp tẹo nào.

Tuy thấy đáy biển nhưng nước rất sâu, tôi bỏ qua việc lội xuống nước nhặt mà lò dò đi kiếm que khều. Sóng đánh mũ trôi càng ra xa, tôi xót xa nhìn cái mũ ướt nhẹp trôi lềnh bềnh trên biển. Không đành lòng mất cái mũ, cũng không đành lòng bất đắc dĩ phải xả “rác” xuống mặt biển đang yên ả, tôi đi tìm kiếm viện trợ.

ghenh-da-dia-5

Chỉ một câu nói, cả lũ trẻ đang trông quầy hàng san hô lăng xăng hồ hởi xung phong vớt mũ cho tôi. Một cô bé chạy rất nhanh xuống dưới gành và trở lại quần áo ướt sũng với cái mũ trên tay sau 2 phút. Tôi biết mà, lũ trẻ sông nước kiểu gì chả biết bơi. Chúng tôi lên xe trở về Tuy Hòa với một túi toàn vỏ ốc và san hô mua của “người vớt mũ và đồng bọn”. Đến lúc này nắng không còn “lung linh và lấp lánh” nữa mà đã trở thành nắng cháy da cháy thịt mà hai đứa tôi phải bịt từ đầu đến chân để tránh cái bỏng rát của nắng gió miền trung.

ĐẾN GÀNH ĐÁ ĐĨA

Địa điểm: Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố tuy hòa khoảng 30 km về phía Bắc.

Phương tiện: Thuê xe máy từ thành phố Tuy Hòa, 120-150k một ngày.

Lượt đi:Từ thành phố Tuy Hòa, đi trên quốc lộ 1A ngược ra hướng TP. Quy Nhơn, gần đến cầu Ngân Sơn thuộc huyện Tuy An, gặp ngã 3 Chí thạnh bạn đi tiếp khoảng 1,2 km, sẽ có đường rẽ phía bên phải qua cầu Lò Gõ thêm khoảng 7 km là tới nơi, bên phải có tấm biển nhà thờ Mằng Lăng thì rẽ vào đấy, đi hết con đường trải nhựa dài 12 km là đến Gành Đá Dĩa.Trên đường có thể vào thăm nhà thờ Mằng Lăng.

Lượt về: Đi khỏi Gành Đá Dĩa 1 đoạn, thay vì trở ra QL1A thì hỏi đường đi theo đường ven biển về Tuy Hòa. Hỏi đường đi An Hải, người dân sẽ hướng dẫn cách đi. Đường rất đẹp lại không nhiều xe cộ qua lại như QL1A (cả tháng 1/2013 và tháng 8/2014 đều vẫn đang làm đường và nhiều xe to), ngoài ra đi vào khu vực dân địa phương sẽ thấy rất nhiều nhà có trồng hoa giấy rất đẹp).

Dịch vụ: Ở Gành Đá Đĩa có một vài quán nước nhận luôn trông xe. Nếu muốn ăn uống thì chuẩn bị trước, còn nước thì không thiếu. Không mất phí tham quan khu vực này.

Thời gian: Nên xuất phát từ Tuy Hòa sáng sớm, đến gành tầm 8h sáng tham quan chụp ảnh đến 9h-10h là đi về để tránh cái nắng gay gắt miền trung.